Khăn ướt có hại cho làn da của trẻ. Hóa chất tẩm trong đó có thể gây phát ban đỏ, ngứa, nổi mụn, theo báo cáo của một nghiên cứu gần đây.
Dtinews cho hay, một số nhà nghiên cứu phát hiện một chất bảo quản hóa học tên là methylisothiazolinone (MI) trong khăn ướt, có khả năng gây dị ứng ở trẻ. Hóa chất này đa phần được tìm thấy trong các sản phẩm làm đẹp và bị lên án làm gia tăng các triệu chứng dị ứng nguy hiểm.
Cho đến nay, không có trường hợp dị ứng từ khăn lau em bé nào được báo cáo chính thức. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu ở Mỹ cho rằng, điều này có thể là do nhiều trường hợp dị ứng bị chẩn đoán sai hoặc nhầm với bệnh da liễu như bệnh chàm bội nhiễm.
“Tôi nghĩ nó có thể phổ biến hơn khi mọi người nhận biết về vấn đề này”, tiến sĩ Mary Wu Chang, phó giáo sư khoa Da liễu và Trẻ em tại ĐH Y Connecticut, nói trên NBC News.
Nhóm nhà khoa học tại trường đại học trên đã nghiên cứu 6 trường hợp trẻ em bị phát ban nặng. Đầu tiên là một bé gái bị phát ban trên mặt và mông. Em bé 8 tuổi này đã được điều trị bằng kháng sinh và steroid nhưng sau mỗi lần điều trị, triệu chứng phát ban vẫn xuất hiện.
Các nhà khoa học nghi ngờ bé có thể bị dị ứng nên hỏi người mẹ đã sử dụng vật gì để lau chùi cho bé. Mẹ bé giải thích đã dùng khăn ướt để lau miệng và mông cho con gái. Gần đây tiến sĩ Chang đã đọc một báo cáo về cậu bé người Bỉ bị dị ứng với MI trong khăn lau của trẻ em. Bà đã kiểm tra và kết quả nhận được là dương tính. Khi mẹ em bé ngừng sử dụng khăn ướt để lau cho con thì triệu chứng phát ban biến mất.
Hai năm sau đó, hơn 5 trẻ em đã được đưa đến trung tâm y tế với triệu chứng phát ban tương tự. Trong mỗi trường hợp, phát ban biến mất ngay sau khi các bé không dùng khăn ướt.
Mặc dù đã được khuyến cáo, song tiến sĩ Chang không tin rằng các bậc cha mẹ có thể ngừng sử dụng loại khăn này vì chúng rất tiện dụng. “Tôi có 3 đứa con vì vậy tôi biết việc thay đổi thói quen sử dụng khó như thế nào, đặc biệt là khi chúng ta đi du lịch. Nhưng có thể khi ở nhà, sẽ tốt hơn nếu chúng ta sử dụng nước và chất tẩy rửa nhẹ nhàng. Bằng cách này bạn sẽ giảm thiểu được tác hại của khăn ướt”.
Tiến sĩ Robin Gehris đến từ ĐH Y Pittsburgh cho biết, số trẻ em bị các phản ứng như thế này ngày càng tăng. Bà tin rằng điều này có thể do hàm lượng MI được tẩm vào khăn lau trẻ em ngày càng nhiều thêm. Hơn nữa, khăn lau dành cho em bé không phải là sản phẩm duy nhất có chứa MI.
Qua phát hiện này, các chuyên gia về da liễu đã gửi thông cáo yêu cầu nhà sản xuất nên khẩn trương loại bỏ loại hóa chất MI ra khỏi sản phẩm dùng trên da vì nó có thể gây triệu chứng phát ban, mụn nước, ngứa mắt và sưng mặt. Họ từng ghi nhận trường hợp một phụ nữ bị sưng to ở đầu mặt, đến nỗi bác sĩ sợ rằng cô sẽ bị khó thở, suy hô hấp nếu không được điều trị khẩn cấp.
Một trường hợp khác, da của một người Anh khi đi nghỉ mát bị viêm trầm trọng. Bệnh nhân phải mất 2 ngày điều trị tại một bệnh viện Tây Ban Nha. Bác sĩ đã phải dùng đến steroid và antihistamine (thuốc trị dị ứng) để làm dịu triệu chứng.
MI là chất bảo quản được chế tạo để kéo dài thời gian sử dụng của sản phẩm, nó không có bất kỳ tiện ích nào cho người sử dụng. Các chuyên gia cho rằng tình trạng dị ứng chất hóa học này ngày càng nhiều, tính từ 2005 đã nằm ở mức báo động. Kết quả kiểm nghiệm gần đây tại các phòng khám cho biết tỷ lệ MI đã cao hơn gần 10 lần so với mức cảnh báo của bác sĩ.
Thi Trân (Dtinews)